CEO Sendo: Tiền là quan trọng nhưng vui nhất của các startup là giai đoạn đầu, lúc mà không có tiền

Ngày đăng: 09/10/2019
Cập nhật: 08/08/2021

“Kinh nghiệm của tôi cho thấy, các công ty startup thành công không bao giờ sử dụng tiền như một thế mạnh. Họ có tài trợ, họ dùng số tiền đó như đòn bẩy để đẩy đi rất xa…”, ông Trần Hải Linh, CEO Sendo chia sẻ tại sự kiện mới đây.

Ảnh: cafebiz.vn

Vui nhất của các công ty startup là giai đoạn đầu, lúc mà không có tiền Theo ông Linh, ngoài việc các startup cần đủ tiền để thực hiện giấc mơ thì thực tế mặt khác giai đoạn vui nhất với các startup là lúc không có tiền. Bên cạnh các startup đã thành công, trở thành doanh nghiệp lớn thì hiện nay rất nhiều người đang ở giai đoạn đầu. “Ở giai đoạn này vẫn phải quan tâm đến tiền nhưng đừng coi đó là yếu tố quyết định sự thành công”, ông Linh nhấn mạnh.

Theo vị CEO sàn TMĐT này, kinh nghiệm cho thấy, những công ty thành công không bao giờ sử dụng tiền như một thế mạnh. Họ có được những khoản đầu tư lớn nhưng họ dùng tiền như đòn bẩy để đẩy công ty đi rất xa.

Chẳng hạn như Microsoft họ có rất nhiều vốn nhưng khi dùng sản phẩm của họ, người tiêu dùng đều rất tự nguyện. Yếu tố, có tiền hay không có tiền không quan trọng.

Theo ông Linh, thực tế có nhiều công ty TMĐT ra đi hoặc bị mua lại do không đủ tiềm lực tài chính để đi tiếp. Tiền quan trọng nhưng tiền không phải là tất cả. Nếu cứ nghĩ có tiền là thành công, thực sự không phải như thế.

Theo ông Trần Hải Linh, tiền là quan trọng với các startup nhưng phải biết dùng tiền để đẩy doanh nghiệp đi xa chứ tiền không phải là tất cả. Ảnh:P.N

Đây mới là yếu tố quyết định đến sự thành bại của một doanh nghiệp startup

“Tôi nói tiền quan trọng là bởi khởi nghiệp thì số tiền trong ngân hàng phải đảm bảo kéo được các bạn đi tối thiểu từ 12-18 tháng. Dưới mức này là nguy hiểm”, ông Linh khẳng định. Tuy nhiên, khi mà có vốn rất nhỏ, quy mô rất nhỏ thì điều quan trọng hơn cả là các bạn buộc phải làm đúng, buộc phải tìm cách tạo ra giá trị thật cho người tiêu dùng. Có như vậy, doanh nghiệp mới được đẩy đi nhanh, nếu ngược lại sẽ chết nhanh.

Lấy ví dụ về trường hợp của doanh nghiệp mình, ông Linh cho hay: Năm 2012-2013 khi các đối thủ trên thị trường TMĐT đều nhiều. Trong khi đó, Sendo là sàn không mua hàng vào để bán hàng ra, hàng là của doanh nghiệp.

Tuy vậy, chiến đấu vật lộn một thời gian không hiểu sao công ty vẫn tăng trưởng được. Gần đây, khi có cơ hội nhìn lại, Sendo mới nhận ra rằng, hóa ra lúc “vật lộn” thì doanh nghiệp đã giải quyết được bài toán cực kỳ thiết yếu của xã hội: Vô tình Sendo giải quyết được chính xác nhu cầu của người dân bình thường Việt Nam.

và phải giải quyết đúng nhu cầu thực của người tiêu dùng

Ông Linh kể lại: Vào thời điểm 2016-2017, khi đến thị trường các tỉnh đi khảo sát thị trường, một cô gái người Vĩnh Phúc nói với tôi: “Vĩnh Phúc quê em từ khi Honda mở nhà máy cuộc sống tốt hơn hẳn. Cứ 2-3 năm thu nhập tăng gấp đôi. Cái gì mua được ở Sài Gòn, Hà Nội thì khoảng 2 năm nay tụi em cũng mua được ở đây bằng TMĐT…”.

“Lúc đó, tôi mới ngộ ra, hóa ra, có rất nhiều thứ ở Sài Gòn, Hà Nội cứ ra ngoài là mua được nhưng ở tỉnh thì không có. Không phải người tiêu dùng ở tỉnh không có khao khát được mua hàng hoặc không có tiền để mua mà do các kênh phân phối của chúng ta còn hạn chế”, ông Linh chia sẻ.

Theo CEO Sendo, có một khoảng cách rất lớn giữa mức thu nhập của người tiêu dùng và khả năng họ có thể mua được hàng. Vô tình TMĐT lại giải quyết tốt được vấn đề này.

Ở giai đoạn 2012-2013 khi mà Sendo không có tiền, những doanh nghiệp lớn ở lại Sài Gòn để “đánh nhau” bán tivi, tủ lạnh – những đơn hàng có giá cao đến vài chục triệu đồng thì Sendo chỉ bán quần áo, đồ gia dụng có giá từ 50 ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng. Nhưng, vô tình Sendo lại giải quyết chính xác nhu cầu thiết yếu của người dân bình thường Việt Nam. Đó cũng chính là lý do sàn này tăng trưởng được ở giai đoạn đầu.

Theo ông Linh, khi người tiêu dùng đã mua hàng để phục vụ nhu cầu thiết yếu thì họ sẽ không mấy quan tâm đến khuyến mãi. Người ta sẽ mua hàng vì đó là điều họ muốn chứ không phải giảm giá họ mới mua.

“Do đó, nếu doanh nghiệp tạo được giá trị thực thì khách hàng sẽ tự tìm đến. Còn nếu không tạo được giá trị khách hàng cần, doanh nghiệp sẽ cứ chạy đua giảm giá, khuyến mãi. Điều này là rất nguy hiểm và doanh nghiệp sẽ chết dần. Càng phát triển càng phải hiểu rằng, đến một lúc nào đó túi tiền sẽ hết, giá trị thực mới là cái bền vững”, ông Trần Hải Linh nhấn mạnh.